Ngày 20/6 tới đây chợ hóa chất Kim Biên sẽ đi vào quy hoạch mới theo quyết định mới nhất từ Sở Công Thương.
(3-6-2016)
Đây được xem là việc rất quan trọng vì nó sẽ thắt chặt được việc buôn bán, kiểm tra hóa chất chứ không phải là sẽ dời chợ đi xa. Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa giao Sở Công Thương khẩn trương xây dựng đề án Trung tâm kinh doanh hóa chất ở ngoại ô thành phố. Việc xây dựng theo hướng xã hội hóa, trên cơ sở các tiêu chuẩn quốc tế để thắt chặt tình hình buôn bán hóa chất. Sở này phải báo cáo về việc kêu gọi đầu tư trình thành phố trước ngày 10/6.
Ngày 20/6 sẽ có quy hoạch chợ mới
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, ngày 20/6 sẽ có quy hoạch và tiêu chí cụ thể về chợ hóa chất, trình UBND TP HCM. Những địa điểm mới có thể chọn là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, vì đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng, phù hợp kinh doanh, xa dân cư, dễ quản lý.
Theo ông Kiên, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Công Thương khảo sát, quy hoạch và di dời chợ Kim Biên về địa điểm mới. Trước mắt, Sở tập trung lấy ý kiến của doanh nghiệp về nhu cầu, trên cơ sở đó kêu gọi nhà đầu tư và chọn địa điểm phù hợp. Bởi không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh mặt hàng này, nên sẽ có tiêu chí khác nhau về diện tích sạp, phân bố nhóm hàng…
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, chợ Kim Biên vốn dĩ không có trong quy hoạch. Vì chẳng nhà kiến trúc quy hoạch nào lại để một khu chợ buôn bán toàn thứ hàng hóa có nguy cơ cao ảnh hưởng sức khỏe giữa khu dân cư như vậy. "Tôi đề nghị chợ mới phải cách xa khu dân cư, được thiết kế khoa học để có thể phòng tránh cháy nổ, ô nhiễm môi trường", ông Nghĩa nói.
Vị này cho rằng, Sở Công Thương cần quy định lại việc kinh doanh, vận chuyển để có thể kiểm soát tốt từng loại hóa chất tại chợ dùng vào mục đích gì, được phép hay không, không thể để việc mua bán những chất độc một cách vô tư, thoải mái như vậy được.
Về điểm bán mới tức là di dời chứ không phải xóa bỏ, nên nếu không được quy hoạch và tổ chức tốt sẽ chẳng khác nào "không chết chỗ này thì chết chỗ khác". Ông Nghĩa đề xuất việc quy hoạch, di dời chợ nên để cho tư nhân tham gia đấu thầu mới đẩy nhanh tiến độ được.
Tiểu thương sốt ruột
Chủ trương trên đang làm không ít các tiểu thương tại chợ Kim Biên lo lắng. Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Tuấn (quận 4, TP HCM) tiểu thương tại chợ cho biết: “Về việc di dời là chủ chương chung chứ tiểu thương chưa được triển khai cụ thể, chưa biết mức đền bù như thế nào”.
Theo ông Tuấn, ông nghe nói 16 hộ kinh doanh hóa chất hương liệu trong chợ cùng các hộ kinh doanh hóa chất công nghiệp và các loại hóa chất khác có hai phương án để lựa chọn.
Thứ nhất, là tập trung kinh doanh tại Công ty Phương Đông. “Nó thuộc một dạng như khu công nghiệp, phía trong chia ra từng sạp theo mô hình zizac, nhưng tập trung buôn bán ở đó thì ai vào mà mua”, ông Tuấn nói.
Thứ hai, là di dời theo yêu cầu của UBND TP HCM lên trung tâm kho bãi chứa hóa chất, dự kiến được xây dựng ở Tân Bình. “Chợ tồn tại trên 40 năm. Các tiểu thương kinh doanh ở đây cũng trên 40 năm làm theo kiểu cha truyền con nối. 6h sáng bước ra đi làm chiều 6h tối về, gắng bó với chợ như nhà của mình”, ông Tuấn tâm sự.
Chuyện di dời về chợ mới có buôn bán được hay không chính là mối lo chung của tất cả tiểu thương chợ Kim Biên. Các vấn đề liên quan như mức thuế, chi phí mặt bằng, đặc biệt là nhà cửa, con cái đều ở gần chợ hiện tại thì khi về nơi mới sẽ ra sao.
“Chị chỉ nghe là di dời đến quận Tân Bình, còn cụ thể như thế nào thì chưa biết. Chỉ biết khi di dời rồi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, con còn đang học tiểu học, buôn bán không biết thu xếp như thế nào”, một tiểu thương khác chia sẻ.
“Không tính đến tương lai di dời, hiện tại tiệm chú ở mặt tiền mà sáng đến gần 12h trưa chỉ bán được đúng 140.000 đồng. Ngay ở trung tâm thành phố mà còn gặp khó khăn, thì bắt đầu lại ở xa sẽ như thế nào?", ông T., bán hương liệu lo lắng.
Cũng có một số hộ cho biết nếu chợ di dời sẽ chọn phương án chuyển sang nghề khác. "Nếu không thể theo về chợ mới thì phải chuyển nghề khác thôi. Nhưng làm gì thì đến giờ chú cũng không biết. Mình làm nghề mấy chục năm, giờ nếu chuyển sang buôn bán hàng mới thì thực tế chú cũng chưa hình dung sẽ bán gì, bán ở đâu, nguồn hàng ra sao...", một tiểu thương kinh doanh hương liệu thông tin.
Quy hoạch các chợ "tử thần" cách nào?
Chợ Kim Biên hiện nay đã quá tải, không an toàn cháy nổ, theo các chuyên gia, việc quy hoạch lại là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải khẳng định tầm quan trọng của chợ Kim Biên. Đây là ngôi chợ sỉ chuyên cung cấp các loại hóa chất phục vụ cho sự phát triển của rất nhiều ngành nghề trên địa bàn TP và cả các tỉnh, thành lân cận. Bên trong chợ có cả nghìn tiểu thương đang buôn bán các loại hàng hóa khác.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, việc quy hoạch lại không có nghĩa di dời chợ thật xa khỏi vị trí cũ, mà cần đảm bảo an toàn, tiện lợi. Vì nếu quản lý mua bán không tốt, người ta không bán chợ này có thể sang chợ khác. Trong khi nếu di dời xa, không hợp lý khiến chợ buôn bán ế ẩm, cuộc sống tiểu thương khó khăn, người tiêu dùng vất vả, Nhà nước thất thu ngân sách. Cuối cùng, việc quy hoạch lại vẫn không đạt được mục tiêu đề ra.
Chuyên gia độc chất - Môi trường, GS Lê Huy Bá cho rằng, ông hoàn toàn tán thành chủ trương của TP HCM quy hoạch lại chợ hóa chất Kim Biên. Thế nhưng, vấn đề quan trọng là công tác quản lý mua bán hóa chất. Bởi điều đáng bức xúc lâu nay là việc buôn bán hóa chất ở chợ Kim Biên quá dễ dãi. Từ chất độc đến hóa chất biến thực phẩm ôi thiu thành thơm ngon đều có thể mua được dễ dàng, không cần hóa đơn chứng từ.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý thị trường, các mặt hàng hóa chất bày bán tại chợ Kim Biên và các tuyến đường lân cận chợ này chỉ là “bề nổi” của thị trường hóa chất, phụ gia độc hại. Ngay cả khi chợ di dời đến một địa chỉ mới nhưng với cơ chế quản lý, giám sát việc kinh doanh buôn bán như cũ thì tình hình cũng chẳng khác gì hiện nay.
Thực tế tại các cửa hàng, chủ hàng chỉ trưng bày một số lượng rất ít, còn kho chứa của những cửa hàng này không được chú ý đến. Thường những kho hàng đó được chủ kho đăng ký tại Sở Kế hoạch - đầu tư nên họ không phải khai báo cho cơ quan quản lý thị trường. Để kiểm soát cần phải quản lý được kho chứa. Nếu quy hoạch lại chợ, nên gắn với quy hoạch các kho chứa tập trung để dễ quản lý.
"Gắn với công tác quy hoạch, phải quản lý được việc buôn bán. Cơ quan chức năng phải thống nhất và ban hành được danh mục hóa chất được phép buôn bán, sử dụng vào mục đích gì; hóa chất nào mua bán phải có điều kiện; khi mua bán phải có hóa đơn, chứng từ để trích xuất được nguồn gốc…", GS Lê Huy Bá.
Theo trang Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét